Trường THCS Giao Lạc 58 năm xây dựng và phát triển
Trường Phổ thông cấp II Giao Lạc được thành lập năm 1959 – vào những năm miền Bắc đang bắt tay vào công cuộc xây dựng XHCN, miền Nam đang đấu tranh chống Đế quốc Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn. Là một trong những trường được thành lập đầu tiên của Huyện Giao Thuỷ – cơ sở đầu tiên đặt tại khu nhà thờ Đại Đồng. Đến nay nhà trường đã có 57 năm xây dựng và phát triển. Qua một chặng đường dài hơn nửa thế kỉ, nhà trường đã trải qua nhiều giai đoạn với những tên gọi khác nhau:

Toàn cảnh Trường THCS Giao lạc từ trên cao


I. Giai đoạn từ năm 1959 – 1976
: Trường mang tên Phổ thông cấp II Giao Lạc . Hơn 50 năm đi từ không đến có, khởi đầu với 2 lớp 5 và 1 lớp 6 – Trường do thầy Đoàn Văn Thịnh (quê huyện Vụ Bản – Nam Định) làm Hiệu trưởng (từ 1959 – 1964), khi đó nhà trường chỉ có vài ba giáo viên với hơn 50 học sinh bao gồm các độ tuổi khác nhau. Trong ký ức của người dân nơi đây vẫn còn lưu giữ hình ảnh ngôi trường Phổ thông cấp II Giao Lạc gắn liền với 3 phòng học cấp 4 mái ngói và 3 phòng học mái bổi nằm song song với nhà thờ Đại Đồng. Sau khi thầy Đoàn Văn Thịnh chuyển công tác, thầy Đặng Văn Định (quê xã Giao Xuân – Giao Thuỷ) làm Hiệu trưởng từ 1964 – 1965, khi đó trường vẫn chỉ có 2 lớp 5 – 1 lớp 6, đến lớp 7 không đủ học sinh. Từ năm 1965 – 1967, khi  thầy Hoàng Sơn (Thiếu sinh quân – quê Mỹ Tho) về làm Hiệu trưởng, nhà trường đã có đủ 3 khối lớp: 2 lớp 5; 2 lớp 6 và 1 lớp 7 với gần 200 học sinh. Giai đoạn này trường phải sơ tán xuống Giáo phòng giáo. Giáo viên và học sinh phải đào hầm chữ A, thầy và trò đội mũ rơm, đeo bùi lùi rơm ngồi học trong hầm đất. Cũng trong giai đoạn đầy khó khăn này nhà trường đã có một tổ Đảng do thầy Bùi Gia Lâm làm tổ trưởng. Sau đó thầy Hoàng Sơn chuyển về Trường Sư phạm cấp I Nam Trung và thầy tiếp tục học Đại học. Tốt nghiệp Đại học thầy về làm cán bộ Thanh tra của Bộ Giáo Dục – Đào Tạo. Tiếp bước sự nghiệp và công tác quản lý của thầy là cô: Đặng Thị Tấn làm Hiệu trưởng từ 1967 đến tháng 8 – 1968. Thầy Trần Ngọc Đỗng làm Hiệu trưởng từ tháng 9 – 1968 đến tháng 12 – 1968. Với khí thế: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước – Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, ngày 31 tháng 12 năm 1968, thầy Trần Ngọc Đỗng đã bàn giao lại công việc để lên đường đi chiến trường C (Lào). Tiếp tục công tác quản lý của thầy là cô Phạm Thị Đông làm Hiệu trưởng từ 1969 đến tháng 9 – 1973, sau đó là các thầy: Đặng Văn Định (từ 1973 – 1974), thầy Cao Kim Hựu quê Giao Tiến (từ 1974 – 1975), thầy Đinh Văn Tư quê Giao Lạc (từ 1975 – 1976) giai đoạn này nhà trường đã có 3 lớp 5 – 3 lớp 6 và 2 lớp 7 với hơn 300 học sinh. Dù nhà trường phải sơ tán, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, khó khăn  nhưng với trách nhiệm và tình yêu nghề các  thầy cô giáo trong Hội đồng sư phạm nhà trường: như thầy Nguyễn Văn Thân (Tổ trưởng tổ KHTN), thầy Bùi Thanh Liêm (Tổ trưởng tổ KHXH), thầy Trần Quang Huân, cô Mai Thị Thuyết, cô Nguyễn Thị Liễu, cô Đỗ Thị Mận, cô Trần Thị Phát, cô Phạm Thị Bình, cô Đinh Thị Dung… vẫn luôn miệt mài với phấn trắng, bảng đen, vẫn thâu đêm bên ngọn đèn dầu cùng trang giáo án để đào tạo ra những thế hệ học sinh có đủ đức và tài góp phần bảo vệ, dựng xây quê hương đất nước.

II. Giai đoạn từ 1976 đến 1996: Sau khi Miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, cả dân tộc bước vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại đất nước. Khi đó sự nghiệp trồng người  được quan tâm hơn bao giờ hết. Đựơc sự chỉ đạo của Đảng bộ – Chính quyền địa phương xã Giao Lạc và do việc sắp xếp lại hệ thống nhà trường cùng các cấp học – Trường Cấp II Giao Lạc được sát nhập với Trường Cấp I  thành trường Phổ thông cơ sở Giao Lạc – Khi đó nhà  trường đã được chuyển về cơ sở mới tại xóm 5 xã Giao Lạc (Khuôn viên trường Tiểu học Giao Lạc ngày nay). Trong giai đoạn này – thầy và trò nhà trường đã cùng nhau bắt tay vào xây dựng và củng cố trường lớp. Chính quyền xã đã vận động nhân dân  gánh từng viên gạch, viên ngói, cây tre đem về xây các phòng học. Cứ như vậy nhà trường ngày càng đi lên, phát triển. Là một xã nghèo, đời sống nhân dân còn vô cùng khó khăn, các thầy cô giáo phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân và cùng với Đảng, chính quyền, các đoàn thể địa phương, các chức sắc tôn giáo đã đến từng gia đình vận động cho con em tới trường học chữ. Vượt lên trên mọi gian nan, thử thách đó, bằng lòng yêu nghề, mến trẻ, hết lòng vì thế hệ tương lai của đất nước, dưới sự chèo lái của các thế hệ thầy cô lãnh đạo, tiêu biểu như các thầy cô Hiệu trưởng: Thầy Trần Văn Cường ( xã Giao Xuân) giai đoạn 1976 – 1979; thầy Đặng Ngọc Bảo (xã Bình Hoà) giai đoạn 1979 – 1986; thầy Trần Việt Cường (xã Giao Lạc) giai đoạn 1986 – 1989. Đặc biệt năm 1989 được sự chỉ đạo của ngành giáo dục – Trường Phổ thông cơ sở Giao Lạc được tách ra làm hai trường là Trường Tiểu học xã Giao Lạc và Trường THCS Giao Lạc. Khi đó thầy Phạm Xuân Chính (quê xã Hồng Thuận – Giao Thuỷ) làm Hiệu trưởng (giai đoạn 1989 – 2010). Ban Giám hiệu nhà trường cùng các thế hệ thầy giáo, cô giáo đã luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần đào tạo ra những thế hệ học sinh có ích cho cách mạng, cho xã hội, là một bộ phận không thể thiếu trong sự nghiệp kiến thiết quê hương,  xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

III. Giai đoạn từ 1996 đến nay. Năm 1996 được sự quan tâm của Đảng uỷ, UBND xã Giao Lạc và các cấp lãnh đạo – Trường THCS Giao Lạc được chuyển về khu mới trên địa bàn xóm 18 – xã Giao Lạc. Khi tách trường dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn song thầy và  trò nhà trường vẫn luôn cố gắng hết mình, khắc phục những khó khăn hiện tại, phát huy những thế mạnh sẵn có để đẩy mạnh công tác phát triển giáo dục. Có thời điểm nhà trường có đến 18 lớp học với gần 900 học sinh và 43 các thầy cô giáo. Đến hết tháng 2 năm 2010, thầy Phạm Xuân Chính đã được nhà nước cho nghỉ hưu. Tiếp bước công tác lãnh đạo, quản lý của thầy là thầy giáo Bùi Văn Nam – Hiệu trưởng – một giáo viên trẻ, một học sinh cũ, một người con của quê hương xã nhà.

       Quá trình hình thành và phát triển của nhà trường đã trải qua bao khó khăn vất vả nhưng rất đỗi vinh quang và rất đáng tự hào. Dù trong thời bình hay thời chiến với những khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, về trang thiết bị dạy – học; kể cả khi Đế quốc Mỹ trút hàng trăm tấn bom đạn ngay trên mảnh đất quê hương, trường học phải đi sơ tán. Nhưng tất cả không làm cho thầy và trò của trường nản chí. Trong khó khăn gian khổ, thầy trò nhà trường vẫn ghi sâu lời dạy của Bác Hồ: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua Dạy tốt – Học tốt”.

       Lời dạy của Bác Hồ kính yêu đã trở thành câu khẩu hiệu nhắc nhở đội ngũ cán bộ giáo viên và các thế hệ học sinh trong nhà trường. Từ ngôi trường nhỏ bé và thân yêu này, biết bao thế hệ học sinh Giao Lạc đã khôn lớn, trưởng thành và trở thành những chiến sĩ giải phóng quân, những người thầy giáo, kĩ sư, bác sĩ, những sĩ quan quân đội, những cán bộ cao cấp của Đảng, chính quyền … Rất nhiều người trong số học sinh của nhà trường đã ngã xuống trên các chiến trường và cũng nhiều người đã thành danh, đã và đang cống hiến tài năng, trí tuệ của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: Như ông Lê Nguyên Long – Phó giám đốc đài THVN – cơ quan thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Văn Lịch Cục phó – cục đo đạc Bộ Tài nguyên – Môi trường; Thạc sỹ Lê Văn Hợp- Uỷ viên BCH Đảng uỷ Bộ – Vụ trưởng, người phát ngôn của Bộ Tài nguyên – Môi trường; Tiến sỹ – Đại tá  Đỗ Văn Tiến – Trưởng ban Khoa học – Học viện Hậu cần; Bà Phạm Thị Phượng – Phó chánh văn phòng Bộ Giao Thông vận tải; Ông Bùi Văn Huyền – Tiến sỹ – giảng viên Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ông Lê Văn Khính – Giám đốc Sở Giao thông – vận tải Nam Định…

Được sự quan tâm sâu sắc của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, của các cấp lãnh đạo, cơ sở vật chất của nhà trường luôn được thay da đổi thịt. Từ những phòng học cấp 4 mái ngói, mái bổi ban đầu, đến nay Trường THCS Giao Lạc đã có 20 phòng học cao tầng cùng dãy nhà làm việc khang trang, sạch đẹp. Các phòng chức năng, phòng máy vi tính hiện đại, phòng nghe nhìn, phòng thư viện đầy đủ. Các lớp học cũng được trang bị các đồ dùng thiết yếu cho từng lớp và bộ đồ dùng dùng chung trong nhà trường như máy chiếu đa năng, tivi, catset, đàn oóc gan… Cảnh quan sư phạm của nhà trường luôn được sửa sang, tu bổ đảm bảo môi trường Xanh – Sạch – Đẹp. Dù thay tên, chuyển địa điểm nhiều lần, lại trên địa bàn dân cư có đông đồng bào theo đạo Thiên chúa  nhưng Trường THCS Giao Lạc vẫn phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, chất lượng dạy và học trong nhà trường không ngừng được nâng lên và có nhiều khởi sắc cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Số lượng học sinh công giáo ngày càng đông với thành tích học tập nổi bật. Nhà trường có 16 năm đạt danh hiệu Tập thể Lao động Tiên tiến. Từng bước phát triển thành một trong những trường thuộc tốp đầu của Huyện. Nhiều cán bộ giáo viên trong nhà trường đã trở thành giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua cấp Huyện và cấp Tỉnh như cô Lê Thị Thanh Vân, thầy Trần Việt Tiến, thầy Trần Nguyên Thuỳ… Hàng nghìn các em học sinh đã đạt danh hiệu học sinh giỏi trong đó có nhiều em đạt giải cao trong các kì thi học sinh giỏi cấp Huyện, cấp Tỉnh, cấp Quốc gia như em Bùi Văn Đức (năm học 1997 – 1998) đạt giải Nhì môn Văn toàn quốc; em Đinh Văn Trường (năm học 2004 – 2005) giải Nhất môn cờ vua cấp Tỉnh; em Đinh Văn Lộc năm học 2005 – 2006 đạt giải Nhì môn giải toán trên máy tính bỏ túi khu vực miền Bắc…


Từng bước phát triển và trưởng thành, mỗi giai đoạn qua đi thầy và trò nhà trường lại có những thành công mới. Tiêu biểu như năm học 2010 – 2011, với 692 học sinh trong 17 lớp cùng sự đoàn kết, nỗ lực của 41 các thầy cô giáo trong Hội đồng sư phạm. Trường THCS Giao Lạc đã đạt nhiều thành tích cao: Trường tiếp tục đạt danh hiệu Tập thể Lao động Tiên tiến, 2 tổ KHTN – KHXH đạt Tập thể Lao động Tiên tiến, 10 thầy cô giáo được công nhận là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, 2 thầy cô giáo được tặng Giấy Khen của UBND Huyện Giao Thuỷ, 2 thầy cô giáo được Giám đốc Sở GD – ĐT Nam Định khen thưởng. Tỷ lệ học sinh Khá – Giỏi về Học lực và Hạnh kiểm tăng cao. Trường được UBND Tỉnh Nam Định cấp bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia số 1300 ký ngày 03 tháng 8 năm 2011.

        Không dừng lại ở những gì đã đạt được, với tinh thần học hỏi, sáng tạo và ý chí phấn đấu vươn lên; dù trong bất kì hoàn cảnh nào, thầy và trò trường THCS Giao Lạc luôn biết trân trọng, tiếp thu, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của mái trường quê hương, của các thế hệ đi trước, tiếp tục viết thêm trang sổ vàng truyền thống, làm rạng danh mái trường THCS Giao Lạc thân yêu. Xứng danh Trường chuẩn quốc gia.

image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1